Một bức điêu khắc hình chim ưng bằng sắt của Nhật sắp được nhà đấu giá Bonham’s của Anh đem ra rao bán trong tháng 5 này với mức giá ước đạt 120.000 bảng Anh (tương đương gần 4 tỉ VND).
Bức điêu khắc bằng sắt này được làm ra từ cuối thế kỷ 19 và được cho là tác phẩm của nhà luyện kim nổi tiếng người Nhật – Itao Shinjiro. Trên mình chim ưng có rất nhiều khớp nối khiến đùi và móng của nó có thể chuyển động, đầu quay được 180 độ, mỏ có thể mở ra cụp vào, lông đuôi và lông cánh có thể xoè rộng ra hoặc thu ngắn lại, hoạ theo dáng chim bay hoặc đậu.
Hiện tại có 2 tác phẩm tương tự như chú chim ưng bằng sắt này. Một tác phẩm thuộc sở hữu của Bảo tàng Quốc gia Tokyo và một tác phẩm nằm trong bộ sưu tập cá nhân ở Pháp. Tác phẩm chú chim ưng sắt này lớn hơn và phức tạp hơn những tác phẩm còn lại. Nó thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng tư nhân Kiyomizu Sannenzaka ở Kyoto.
Những tác phẩm điêu khắc bằng sắt được sản xuất tại Nhật Bản kể từ thế kỷ 18 bởi các gia đình có truyền thống làm nghề luyện kim, sản xuất áo giáp sắt cho các samurai.
Nhật Bản ở thế kỷ 17 phải trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, sau đó là thời kỳ hoà bình thịnh trị dưới triều đại Edo, kéo dài tới 250 năm. Những gia đình nổi tiếng với nghề rèn binh khí và sản xuất áo giáp sắt bắt đầu phải tìm hướng đi mới cho đầu ra sản phẩm khi chiến tranh đã chấm dứt.
Họ nhanh chóng chuyển sang sản xuất những đồ trưng bày nghệ thuật tinh xảo bằng sắt. Những món đồ trưng bày trong nhà như chim ưng, rồng với các khớp nối linh hoạt trở nên rất thịnh hành vào thời điểm đó. Những tác phẩm điêu khắc ngày đó của Nhật hiện giờ đã bị phát tán ra nhiều nước.
Trong một tạp chí nghệ thuật của Nhật xuất bản năm 1894, những tác phẩm điêu khắc muông thú bằng kim loại xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc. Người Nhật sau đó đã góp phần đưa những tác phẩm này sang thị trường phương Tây vào cuối thế kỷ 19 khi nước này mở cửa thương mại khiến các sản phẩm đậm chất Á Đông trở thành thời thượng tại các nước phương Tây.
Khi thị trường phương Tây hào hứng đón nhận những tác phẩm này cũng là khi người Nhật không còn ưa chuộng chúng nữa. Mãi cho tới năm 1983 khi Bảo tàng Quốc gia Tokyo đưa những tác phẩm này ra trưng bày, chúng mới được biết tới trở lại.
Giờ đây, những tác phẩm như chú chim ưng bằng sắt này đặc biệt được kiếm tìm, các nhà sưu tập sẵn sàng trả giá cao để có được một món cổ vật như vậy.