ỨNG DỤNG PHÙ ĐIÊU TRÊN THỦY ĐIỆN

Khác với tượng có ba chiều kích thước thì phù điêu là hình thức đắp nổi hoặc khoét lõm với chiều dài, rộng là thực còn phần nổi chỉ mang tính ước lệ về khối. Giá trị của các tác phẩm tạo hình sẽ tăng lên nếu chúng tồn tại trong không gian phù hợp do nghệ thuật luôn gắn liền với không gian thực.
Do vậy, khi thực hiện một tác phẩm điêu khắc, phù điêu hay tranh tường người thiết kế cần tìm hiểu môi trường nơi tác phẩm tồn tại để tìm ra phương thức thể hiện phù hợp sao cho nội dung tác phẩm có thể diễn đạt được ý nghĩa tượng trưng một cách rõ ràng, súc tích nhất.

Khác với những tác phẩm phù điêu trang trí, tác phẩm phù điêu hoành tráng thường mang tính tư tưởng sâu sắc, có sức biểu đạt nghệ thuật cao và có nội dung, chủ đề rõ ràng. Do vậy, chúng cần được bố trí ở những nơi có vị trí quan sát bao quát để người đọc có thời gian chiêm ngưỡng tác phẩm.

Thành công trong nghệ thuật phù điêu của kiến trúc công trình thuỷ điện phải kể đến đập Hoover – Mỹ và đập Tam Hiệp – Trung Quốc. Nội dung tác phẩm đã bộc lộ hết ý nghĩa tượng trưng của nó với công chúng thưởng thức. Bức phù điêu bằng đồng trên đập Hoover mô tả ước lệ hình ảnh người công nhân đang chống chọi với dòng nước hung dữ với dòng chữ ‘Sự hi sinh của họ đã làm nên dòng sông bất diệt’ và hai seri 10 bức phù điêu bằng bê tông trên mặt ngoài của hai tháp thang máy; trong đó, thông điệp của seri 5 bức trên tháp phía bang Nevada (bên trái) lần lượt từ dưới lên là: chế ngự dòng nước, tàu thuyền lưu thông, tưới tiêu, trữ nước và nguồn năng lượng còn thông điệp của seri 5 phù điêu trên tháp phía bang Arizona (bên phải) mô tả cuộc sống định cư của dân cư (hình 1) hay tác phẩm phù điêu khổ lớn bao xung quanh đài quan sát toàn cảnh đập Tam Hiệp là sự phối hợp của hai mảng phù điêu đối lập nhau về màu sắc và kích thước: mảng phù điêu màu đen mô tả những con người đang oằn mình trong dòng nước và ngược lại mảng phù điêu màu hồng là hình ảnh vui tươi, sống động của đời sống hạnh phúc, ấm no (hình 2). Tất cả đều tưởng nhớ những người công nhân, người kỹ sư đã hi sinh quên mình vì những kỳ quan kỹ thuật xây dựng này.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhu cầu thưởng thức cái đẹp của xã hội, những ý tưởng hội họa – phù điêu độc đáo ngày càng phổ biến rộng rãi, gây nên sự thích thú cho người thưởng lãm như bức phù điêu ‘Con bọ cạp’ – một trong 12 ký hiệu trong thuật chiêm tinh của nhà điêu khắc Oskar Hansen trên mặt đập Hoover bên hẻm núi Black trên sông Colorado (hình 3).

Như vậy, trong tổ chức cảnh quan nghệ thuật tạo hình góp phần tạo các điểm dừng thị giác. Nếu không có điểm dừng, chất lượng không gian sẽ nhạt nhòa và phân tán, không tạo được sức hút.

Nguồn: Phạm Liên Hương

Bài viết liên quan

0976432033