9 NGHỆ SĨ CHUNG TAY ĐƯA ĐIÊU KHẮC TỚI GẦN ĐỜI SỐNG

Triển lãm ‘Hình thể mới’ hướng đến tính ứng dụng của điêu khắc, với mong muốn mỗi thành phẩm điêu khắc sẽ hiện diện trên bàn người Việt như một lọ hoa, một ấm trà.

Sáng 6/10, tại Mai Gallery, 12 Quán Sứ, Hà Nội khai mạc triển lãm điêu khắc của nhóm 9 tác giả gồm: Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Huy Tính, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Trọng Tri, Phạm Thái Bình, Phạm Bảo Sơn, Hoàng Mai Thiệp, Nguyễn Hữu Thái, Thái Nhật Minh. Họ thuộc thế hệ sinh ra từ đầu thập niên 70 đến đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, là những người sáng tác đều đặn và tiên phong trong lứa nghệ sĩ điêu khắc trẻ phía Bắc và đã có những thành công nhất định trong nghề. Triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm điêu khắc nhỏ và vừa, lấy cảm hứng từ chính đời sống hiện đại. Với chiều cao dưới 50 cm, các tác phẩm thích hợp cho việc bày biện trong bất cứ không gian kiến trúc dân dụng hay công sở nào.

Nhóm tác giả cho biết, điêu khắc ở Việt Nam có lịch sử lâu đời nhưng thường gắn liền với những công trình tôn giáo như đình chùa, miếu mạo… Ngày nay, điêu khắc thường xuất hiện ở những công trình kiến trúc công cộng như tượng đài, công viên… nhưng chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ như một số loại hình nghệ thuật khác. Triển lãm nhỏ của 9 tác giả mong muốn tạo sự quan tâm của công chúng vào tính ứng dụng của loại hình này. Các tác giả hy vọng sẽ đưa được điêu khắc đến tận nhà của những gia đình Việt, tạo sự tiêu dùng mỹ thuật một cách có ý nghĩa trong xã hội. Thầy Đào Châu Hải, cố vấn của triển lãm “Hình thể mới”, cho biết các tác giả không đặt mục tiêu cá nhân hay chất lượng nghệ thuật. Điều quan trọng là mong muốn ngôn ngữ của điêu khắc xuất hiện trong đời sống, gợi ra trong sâu thẳm người dân nhận thức nghệ thuật, thay vì những thứ đắt tiền nhưng kém giá trị thẩm mỹ.

Theo nhóm tác giả, những gì họ làm ra không nhất thiết phải thật nghệ thuật mà là cuộc sống của họ. Vì thế, các tác phẩm chứa đựng cảm xúc của các nghệ sĩ về cuộc sống, về con người. Tác phẩm “Số 1” của Khổng Đỗ Tuyền diễn tả nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống hiện đại. Nguyễn Huy Tính tập trung vào đề tài là những con vật thân thuộc trong đời sống như con mèo với nhiều biểu cảm, tạo hình khác nhau. Tác giả Phạm Thái Bình có hẳn bộ sưu tập các tác phẩm lấy chủ đề từ chính cuộc sống của người dân tộc H’mong ở vùng Bát Xát, Lạng Sơn – quê hương anh. Có thể thấy dấu ấn cuộc sống hiện đại trong các tác phẩm điêu khắc của Phan Thanh Bình, khi người dân H’mong cưỡi SH, Dylan, ôtô thay vì cưỡi ngựa, nhưng không mất đi chất hồn nhiên, ngây thơ của họ. Trong mỗi tác phẩm, cũng có thể đọc ra được tính cách của người nghệ sĩ, như chất hài hước, tinh nghịch, lạc quan trong bộ tượng của Phan Thanh Bình. Hay trong các tác phẩm của tác giả Nguyễn Ngọc Lâm lại thiên về nội tâm khi thể hiện tình yêu, những bộ mặt của con người, khối óc vuông qua chất liệu gốm.

Triển lãm “Hình thể mới” kéo dài từ 6/10 đến 21/10. Nhóm tác giả cho biết, trong tương lai, họ có kế hoạch cho những chương trình dài hơi hơn. Trước mắt, triển lãm sẽ được tổ chức hai năm một lần, làm sao để tiến tới có sự hiện diện của nghệ thuật điêu khắc trong đời sống của con người, nâng cao đời sống thẩm mỹ của xã hội.

Bài viết liên quan

0976432033