Mạc Hoàng Thượng và những bức vẽ chì ám ảnh

Cuối tuần trước, triển lãm chủ đề “Gần” của họa sĩ Mạc Hoàng Thượng khai mạc ở TP HCM). Gần 100 khán giả có mặt để thưởng lãm 17 bức vẽ bằng bút chì trên giấy của họa sĩ này.

Như một sự vô tình, cây bút chì bé nhỏ từ lâu đã giữ một góc lặng lẽ trong đời sống hội họa TP HCM. Các nghệ sĩ mải miết với các chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu acrylic… Vì thế, khi triển lãm “Gần” mở cửa đón khách, có người chợt “ồ, à” khi thấy: Sao hội họa có lúc lại thật gần gũi với người xem như thế!

Mạc Hoàng Thượng và những bức vẽ chì ám ảnh

Mạc Hoàng Thượng và những bức vẽ chì ám ảnh

Tốt nghiệp khoa sơn mài Đại học Mỹ thuật TP HCM, Mạc Hoàng Thượng lại tạo dấu ấn và phong cách qua mảng tranh siêu thực (sơn dầu) và tranh trừu tượng (acrylic). Với chì, Mạc Hoàng Thượng cũng trình bày rải rác trong các triển lãm nhóm, nhưng đây là lần đầu tiên anh làm triển lãm cá nhân. “Tôi yêu sự tối giản trong nghệ thuật vì nó chân thật và đầy sâu lắng”, đó là lời tự sự của Mạc Hoàng Thượng về triển lãm.

Bận rộn với nhiều công việc và dạy học ở trường Mỹ thuật TP HCM, Mạc Hoàng Thượng thường vẽ vào ban đêm để có thể tĩnh tâm. Trong số 17 bức triển lãm lần này, với anh tác phẩm “Tự họa” là khó nhất. Bởi anh muốn diễn đạt một góc thật của nội tâm trong cuộc sống nhiều trăn trở, bộn bề. Những trăn trở ấy đi cả vào giấc ngủ mệt nhọc của con người.

Nhân vật và chủ đề trong “Gần” của Mạc Hoàng Thượng không có gì xa lạ. Đó có thể là những khuôn mặt được phóng to, với những nếp nhăn, hằn, khóe mắt, những cảm xúc được dấu ấn thời gian lưu lại trên mỗi con người. Bàn tay tài hoa của họa sĩ khắc họa từng chi tiết nhỏ, tạo nên độ chân xác đến mức rung cảm.

Ngắm tranh, họa sĩ Lương Lưu Biên nhận xét, hầu như ai cũng từng cầm bút chì nghệch ngoặc trên giấy vài lần trong đời, giới họa sĩ thì làm việc này rất thường xuyên, gần như hằng ngày. Nhưng việc làm một triển lãm toàn những tác phẩm vẽ chì thì thật hiếm thấy.

“Những tác phẩm hầu hết là chân dung, cho thấy anh muốn đẩy sâu chất liệu chì của mình đến độ chuyên biệt của hội họa đen trắng. Thật vậy, hiệu quả thị giác mà những bức chì khổ lớn này mang lại thật độc đáo và hấp dẫn. Triển lãm cũng mang đến sự thân quen, gần gũi cho đa số công chúng vì có thể làm dậy lên ở họ những trải nghiệm về niềm say mê vẽ vời từ thuở trẻ. Sau nữa, tôi tin rằng những tác phẩm này sẽ có được sự thán phục của hầu hết sinh viên mỹ thuật và giới chuyên nghiệp về kỹ năng tạo hình của một giảng viên mỹ thuật trẻ và tài năng”, họa sĩ Lương Lưu Biên viết trong bài cảm nhận của ông về triển lãm.

Dẫn vợ con đi xem tranh ngày khai mạc, họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn chia sẻ: “Những bức tranh của anh ấy đã đánh thức con tim người xem, nhắc nhở những gì bình dị nhất cũng là những gì rung cảm nhất”.

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn, về mặt chất liệu, nếu vẽ bút chì trên giấy khổ nhỏ thì bình thường nhưng với những khổ giấy lớn thì việc vẽ lại không hề đơn giản chút nào. Vì lúc đó, người họa sĩ phải thật sự tài hoa, kiểm soát được bức tranh về tổng thể, về giải phẫu học, sắc độ, kỹ thuật đánh bóng. “Tôi vẫn vẽ được tranh bút chì như thế nhưng để đến cái thần cảm xúc như Mạc Hoàng Thượng thì thật “kinh”!”, họa sĩ Thuấn nói.

Với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, Hoàng Thượng là một trong số họa sĩ trẻ luôn nhiệt tình, đam mê với hội họa. Nguyễn Quân cho rằng, cách mà Mạc Hoàng Thượng vẽ con người với những chi tiết nhỏ được phóng to, đã thành công về thị giác, đánh mạnh vào cảm nhận của người xem.
“Xem tranh, người ta phải hỏi ‘Tại sao lại như thế này?’. Điều đó chứng tỏ họa sĩ có sức sáng tạo. Tuy nhiên, riêng tôi vẫn mong đợi một sự bất ngờ mạnh mẽ hơn về nội tâm, về chiều sâu cảm xúc hơn là sự bất ngờ về hình thức biểu hiện”, ông nói.

Triển lãm “Gần” kéo dài đến ngày 22/6 tại phòng tranh Cactus Experimental Art Space (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, phường 16, quận Bình Thạnh, TP HCM).

Bài viết liên quan

0976432033